Béc phun, kim phun – khi nào cần nâng cấp?

Tư vấn cấu hình Pô-Xăng-Lửa (PXL).

– Pô tăng, Lọc gió, Họng gió, ECU.

Cư dân mạng chất vấn:

– PXL không có mobin sườn với bugi? Lửa đâu?

– PXL không có béc phun? Xăng đâu?

Hôm nay mình sẽ trả lời chất vấn này.

Trước tiên, cần phải biết béc phun là gì?

Béc phun, hay kim phun là một bộ phận thuộc hệ thống nhiên liệu của động cơ. Béc phun được gắn ngay trên co gió nạp, sau bướm ga và trước sutbap nạp. Khi động cơ hoạt động, bơm xăng hút xăng từ bình, bơm tới béc phun qua ống dẫn và liên tục duy trì áp suất cao để đợi phun vào xylanh. Béc phun chịu sự điều khiển của ECU, nó đóng nhiệm vụ của một van đóng ngắt.

Cấu tạo và cơ chế của béc phun xăng

Các lỗ phun trên béc có đường kính rất nhỏ, nhờ vậy mà xăng được xé tơi để hòa trộn với khí nạp tạo thành hòa khí. Số lượng lỗ phun và sự bố trí lỗ thế nào, tỏa tròn hay đối xứng là tùy thuộc béc đó được thiết kế cho xe nào, cấu trúc họng nạp ra sau, đầu 2 van hay 4 van…

Béc phun có một chỉ số hoạt động quan trọng, đó là lưu lượng béc. Lưu lượng của béc là lượng xăng có thể đi qua béc khi áp bơm duy trì ổn định trong một khoảng thời gian béc mở liên tục. Thường được tính bằng cc/phút.

Nhân tiện đây mình trả lời luôn cho những bạn nào đang có cùng thắc mắc như vậy. Lưu lượng béc 100 cc/phút là đo với điều kiện béc duy trì trạng thái mở liên tục. Còn vác lên xe thì béc có mở toàn thời gian đầu mà hiểu là một phút tống tới 100 cc xăng vào động cơ? Hiểu và bẻ như vậy ấu trĩ và nực cười lắm lắm.

Chu kì bơm xăng

Quay lại nội dung của ngày hôm nay. Béc phun là một van đóng ngắt có áp xăng chờ sẵn. Áp xăng ổn định đúng thiết kế thì lưu lượng béc là cố định. Lượng xăng vào động cơ nhiều ít được quyết định bởi thời gian mở béc lâu hay mau. Và thời gian này được quyết định bởi ECU.

Với xe độ PXL, thậm chí 62zz nhẹ nhàng, sử dụng béc zin vẫn hoàn toàn có thể tăng xăng bằng cách kéo dài thời gian mở béc trong ECU. Chỉ khi lượng xăng đòi hỏi quá nhiều, yêu cầu thời gian mở béc quá dài, dài hơn thời gian mở của sutbap nạp dẫn tới xăng phun đủ nhưng không kịp nạp vào xylanh thì mới cần nâng cấp béc độ có lưu lượng lớn hơn.

Để biết béc hiện tại có đủ dùng hay không, cần phải đo kiểm thực tế bằng máy đo AFR. Một số phần mềm tune ECU cũng tích hợp sẵn công cụ để tính toán vấn đề này trên lý thuyết. Còn theo kinh nghiệm, thì các bài độ mà không thay đổi dung tích xylanh thì cứ béc zin là dư xài – với điều kiện là có ECU độ để kéo dài thời gian mở béc. Các cấu hình này mà lên béc độ, vào trong ECU lại phải bóp thời gian mở béc xuống, hoàn toàn vô nghĩa và phí tiền. Đó là chưa xét đến khía cạnh, xét về độ bền và ổn định thì béc zin, béc hãng là vô địch.

Đây nãy giờ là đang nói về phương pháp độ bài bản cả phần cứng và phần mềm, độ toàn diện cảm biến – điều khiển – chấp hành. Còn các kiểu độ theo “bài” thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Bài pô-xăng-gió vốn rất phổ biến trên Raider Fi chẳng hạn. Bài này bao gồm một cây pô thoáng, họng xăng móc lớn, lọc gió độ và béc phun lấy từ người anh em Suzuki GSX 150.

Béc xăng zin Raider có 4 lỗ lớn còn béc GSX có 10 lỗ nhỏ

Giả sử hai béc: Béc zin Raider có 4 lỗ lớn, còn béc GSX có 10 lỗ nhỏ cùng lưu lượng, thì béc nào nhiều lỗ hơn sẽ đánh xăng tơi hơn. Nhờ vậy mà hòa khí sẽ cháy hiệu quả hơn, chống hụp ga đầu. Còn riêng về việc so sánh lưu lượng thật của béc Raider và béc GSX thì mình chưa có điều kiện thực nghiệm nên chưa dám kết luận. Bạn nào có số liệu có thể chia sẻ để mình bổ sung thêm.

Kết luận. Trên xe Fi, ECU chính là xăng là lửa. Chỉ khi nào các cơ cấu chấp hành không đủ đáp ứng lệnh điều khiển của ECU thì mới cần nghĩ tới việc nâng cấp. Một cấu hình độ, không phải cứ full đồ là ngon. Quan trọng là phải biết phối hợp sao cho cân bằng, hài hòa và hợp lý.

“Sưu tầm”

Related News

x