Hạ mặt xy-lanh để tăng Tỷ Số Nén. Mặt trên hay mặt dưới?

Chắc nhiều bạn cũng đã biết công thức tính Tỷ Số Nén (như hình minh hoạ). Để tăng Tỷ Số Nén thì có nhiều cách, trong đó có một cách khá đơn giản là hạ mặt xy-lanh.

Câu hỏi đặt ra là: Xy-lanh có 2 mặt:

– Mặt trên tiếp xúc với đầu quy-lát

– Mặt dưới tiếp xúc với bụng máy

Vậy khi muốn hạ mặt, thì hạ mặt trên hay mặt dưới sẽ hợp lý về mặt kỹ thuật hơn?

Công thức tính tỷ số nén

Thật ra, hạ trên hay dưới thì đều đạt được mục đích là làm giảm cao độ của vỏ xy-lanh, piston trồi cao hơn lên chảo đầu, giảm dung tích buồng đốt, từ đó tăng tỷ số nén. Các vấn đề phát sinh như đụng supap, trùng sên cam, lệch thì cam… thì dĩ nhiên phải được cân nhắc khi dựng bài, và những vấn đề đó không liên quan đến câu hỏi mà mình đang giải đáp hôm nay.

Như vừa nói, hạ trên và hạ dưới căn bản là như nhau khi nhìn dưới góc độ của cơ khí động lực. Nhưng nếu nhìn dưới góc độ của cơ khí chế tạo, thì khác nhau khá nhiều về nguyên lý. Trong quá trình giải thích, mình sẽ lồng vào vài chia sẻ về kỹ thuật chế tạo để các bạn dễ hình dung hơn.

Bụng máy – Xylanh – Đầu quylat là 3 chi tiết cơ khí được lắp ghép với nhau.

Một mối lắp cơ khí thường bao gồm 2 yếu tố:

– Định vị

– Kẹp chặt


Mối ghép giữa BỤNG MÁY và XYLANH, được định vị bởi 2 con ạc-rô, mặt phẳng bụng máy và mặt dưới của xylanh. Trong đó mặt phẳng bụng máy và mặt dưới của xylanh là cực kỳ quan trọng, giúp đảm bảo cho xylanh vuông góc với mặt phẳng bụng máy. Hay nói cách khác, giúp đường chạy của piston vuông góc với đường tâm của trục khuỷu.

Hiểu được mặt dưới của xylanh quan trọng như vậy, dĩ nhiên nên giữ nguyên bản nhất có thể, hạn chế can thiệp cơ khí vào đó trừ trường hợp bất khả kháng.
Mặt trên của xylanh cũng là một mặt phẳng, ghép nối với mặt đầu quylat, nhưng mặt này đóng vai trò làm kín nhiều hơn định vị. Ở mặt phẳng phía trên này, dễ dàng chấp nhận các sai số về độ nghiêng, miễn đảm bảo độ phẳng để làm kín buồng đốt là được.

Đây mới chỉ đang xét về một khía cạnh mà thôi. Còn một khía cạnh khác, đi khá sâu vào chuyên môn cơ khí chế tạo.

Mặt dưới của xylanh, vì vướng cái sơ-mi, nên chỉ có thể gia công mặt phẳng bằng nguyên công tiện. Trong nguyên công tiện, phôi quay tròn tạo chuyển động cắt, chuyển động ăn dao di chuyển từ rìa phôi vào tâm quay, vì vậy mặt phẳng do nguyên công tiện tạo ra luôn có sai số về độ côn.

Chưa kể các sai số về độ nghiêng do quá trình gá phôi gây ra.

Còn mặt trên của xylanh, ngoài phương pháp tiện, có thể sử dụng các phương pháp khác như phay, mài… để khử hoàn toàn độ côn, tạo mặt phẳng làm việc phẳng tuyệt đối.

Nói tóm lại, nếu phải hạ mặt xylanh, nên chọn hạ mặt trên để giữ được sự nguyên bản của mặt dưới, vốn rất quan trọng trong việc định vị đường chạy của piston, và lại là một mặt khó gia công chính xác.

Có thể nhiều bạn sẽ phản biện rằng nếu dùng máy CNC 5 trục siêu chính xác thì sao? Cơ hay CNC, 5 trục hay 50 trục, Okuma hay Haas hay Centroid… đều không phải là vấn đề tạo nên sự chính xác. “Chính xác” hay không là do “Nguyên lý”.

Related News

x